Việt Nam hiện có 79 ngọn đèn biển, trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên và trên hầu hết các đảo thuộc lãnh hải Việt Nam. Đó là những công trình lặng lẽ, cô đơn mà hùng tráng được vận hành bởi những số phận cũng lặng lẽ, cô đơn và hùng tráng không kém.
Không kể một số ít đèn biển ở gần các thành phố lớn như Hòn Dấu (Hải Phòng), Tiên Sa (Đà Nẵng), hoặc ở gần cửa sông tấp nập thuyền bè vào ra, hầu hết các ngọn đèn biển đều nằm ở vị trí heo hút, xa xôi và cao tít như tổ chim đại bàng trên các vách đá, mõm núi cheo leo xa cách bóng người.
Những ngọn đèn trăm tuổi
Được ngành Bảo đảm an toàn hàng hải (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam) tổ chức cho tham gia vào Đoàn kiểm tra toàn quốc về tầm hiệu lực ánh sáng của 79 ngọn đèn biển, với nhiệm vụ là chụp ảnh, tôi được một cơ hội rất ít người có, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tổ quốc từ phía biển và nhất là được tận mắt nhìn thấy 79 ngọn đèn biển lặng lẽ dẫn đường cho bao người, mà cô đơn đến độ hàng chục năm trời không một người ghé thăm.
Trong tổng số 79 ngọn đèn biển, có 8 ngọn được người Pháp xây dựng từ hơn 100 năm trước. Đó là các ngọn: Bảy Cạnh ở Côn Đảo (xây dựng năm 1885), Hòn Lớn ở Nha Trang (1890), Long Châu, Hòn Dấu ở Hải Phòng (1894), Núi Nai ở Kiên Giang (1896), Hòn Khoai ở Cà Mau (1899), Tiên Sa ở Đà Nẵng (1902), và Mũi Dinh ở Ninh Thuận (1904). Hồi đó đèn được thắp bằng dầu, pha choá được xoay bằng một quả tạ, rơi xuống bằng trọng lực và làm xoay đèn, đến giờ tất cả đều đã được tu sửa, chuyển sang dùng điện, một số cái đã dùng năng lượng mặt trời. Tuy đã được sửa chữa nâng cấp nhưng về kiến trúc, các ngọn hải đăng này vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp tinh thần kiến trúc của người Pháp. Các toà nhà đều được xây dựng để có thể chịu được những cơn bão có sức gió trên cấp 12.
Phần lớn các ngọn đèn biển thường được xây dựng ở độ cao thuận tiện, đạt yêu cầu về tầm nhìn địa lý và tầm hiệu lực ánh sáng từ 10-25 hải lý (1 hải lý=1,85km). Hằng năm phí thu được từ các tàu bè qua các luồng biển trên hải phận Việt Nam lên tới 284 tỉ đồng.
Đời đèn, đời người…
Đi hết các đèn biển mới thấy cuộc sống và công việc của anh em công nhân vận hành không khác gì công việc của một người lính đứng canh cho vùng biển tổ quốc với các nhật ký công việc nghiêm ngặt theo quy định của Hiệp hội báo hiệu hàng hải quốc tế IALA. Chỉ cần đèn ngừng chớp một đêm, hoặc chớp không theo quy định của mỗi đèn là đã có thể gây ra những tai nạn thảm khốc dẫn đến ngành hàng hải phải bồi thường cho các công ty vận tải biển quốc tế khi đi vào vùng biển nước ta.
Có nơi như 5 ngọn đèn biển trên quần đảo Trường Sa. Đèn biển Đá Lát đứng dầm chân trong đảo chìm, lặng lẽ chớp nháy để tàu bè không mắc cạn. Đảo chìm Tiên Nữ là vị trí cực Đông của tổ quốc, nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nơi có ngọn hải đăng mới xây dựng năm 2000 với kinh phí lên tới 22 tỉ đồng. Tất thảy cát, sạn, nước ngọt đều phải chở từ đất liền ra. Từ Song Tử Tây ra đến Tiên Nữ phải mất một ngày một đêm vượt 160 hải lý. Các nhân viên trực đèn bảo: “Tàu ra không có phụ nữ phải không ? Cho bọn em thôi mặc quần dài luôn nghe, ba tháng rồi không mặc quần dài, đâm quen rồi !”.
Ở đảo 8 tháng, được nghỉ 4 tháng với gia đình rồi ra và nhận vị trí khác để đỡ nhàm chán. Sách báo ở trạm phong phú, cạnh hình ảnh vợ con là hình các cô người mẫu trong các tạp chí. Bộ đội hải quân và nhân viên đèn biển tuy sinh hoạt khác nhau nhưng quan hệ thì hơn là hàng xóm láng giềng, họ như một nhà, chỉ công việc thì khác. H., nhân viên đèn biển ở Đá Tây, sau một chuyến về đất liền, trở ra trầm tư hẳn. Ai hỏi anh chỉ bảo, đừng nhắc đến người vợ bạc tình. Toàn bộ suất lương anh gởi hết về quê nội nuôi hai con nhỏ. Đêm Trường Sa, ánh đèn suốt đêm lia sát mặt nước, người cũng suốt đêm với sóng vỗ quanh mình. Một đời đèn, một đời người, nào ai kém ai.
79 gương mặt
9 ngọn đèn nhưng kiến trúc không ngọn đèn nào giống ngọn đèn nào. Nếu người Pháp hồi xưa xây bằng đá, vững chãi và kiên cố thì gần đây, với bê tông cốt thép, các nhà xây dựng kiến trúc tha hồ tạo dáng cho đèn biển và có cái đã trở thành một tác phẩm kiến trúc độc đáo. Long Châu nằm trọn trên đỉnh núi như một lâu đài châu Âu cổ; Lý Sơn, Rạch Giá, Phú Quý thì cầu kỳ về tạo dáng , cái như một chóp tròn Ấn Độ, cái thì như một tượng đài ba chân; Dã Tràng, Chân Mây thì thân eo lại như như một ngọn đuốc, các đèn cửa sông thì đa phần bằng sắt… Dù kiến trúc có bằng gì đi nữa thì ánh sáng của nó mỗi đêm vẫn là sự tin cậy lớn nhất của những con tàu một mình giữa biển khơi mênh mông, cô quạnh.
Hàng ngàn bức ảnh tôi chụp được sẽ được chọn một ít để in vào tập sách Danh bạ đèn biển Việt Nam nhân 50 năm kỷ niệm ngày thành lập ngành. Chỉ một số được in thôi, thế nhưng tất cả chúng sẽ là những kỷ niệm, những giây phút khó quên của cuộc hành trình suốt hai tháng lênh đênh trên biển quê hương, tiếp xúc với bao con người lặng lẽ, khiêm tốn và vô cùng nhẫn nại, với những luồng sáng mạnh mẽ vươn dài ra đến tận chân trời, dẫn đường cho những chuyến tàu xuôi ngược trong màn đêm mịt mùng giữa biển khơi biết nơi mà tránh những rặng đá ngầm, những bãi cạn nguy hiểm. Và nhất là những đêm giông bão, khi mà ánh đèn hải đăng không còn là người dẫn đường mà trở thành chiếc phao cứu sinh cho bao người đã mất hết phương hướng.
Hồ Trung